Hiện nay, tình trạng đất đồng sở hữu ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong khâu quản lý. Cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Hãy cùng Phú Minh Hưng tìm hiểu xem đất đồng sở hữu là gì? Và những quy định pháp lý liên quan đến đất đồng sở hữu thì sẽ thế nào nhé!
Đất đồng sở hữu là gì?
Đất đồng sở hữu là tình trang 1 thửa đất lại có chung nhiều người cùng đứng tên là chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất đó. Việc nhiều chủ cùng sở hữu cũng được chia thành các trường hợp khác nhau. Ví dụ như: vợ chồng đồng sở hữu, các thành viên trong 1 hộ gia đình đồng sở hữu, hoặc các chủ sở hữu từ nhiều hộ gia đình khác nhau đồng sở hữu. Bài viết này đề cập đến trường hợp cuối. Đất đồng sở hữu nhưng các chủ sở hữu đó không phải vợ chồng hay trong cùng 1 hộ gia đình.
Tại sao có tình trạng đất đồng sở hữu
Nhiều lí do dẫn đến việc đất đồng sở hữu ngày càng gia tăng. Phải kể đến các trường hợp như sau:
– Nhiều người cùng góp vốn mua chung một thửa đất. Đất đó thuộc quyền sở hữu chung của các nhà đầu tư đã góp vốn đó.
– Đất ban đầu thuộc quyền sở hữu của 1 người, sau đó phân lô bán cho nhiều người nhưng không đủ điều kiện để tách sổ riêng cho từng lô nhỏ. Mặc dù đất riêng từng người nhưng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thì vẫn là đất sổ chung.
– Đất thừa kế cha mẹ chia cho anh em là những hộ gia đình khác nhau, nhưng chưa hoặc không đủ điều kiện tách sổ. Nên nhiều anh em khác hộ gia đình vẫn đồng sở hữu 1 lô đất chung…
Các quy định của pháp luật về đất đồng sở hữu
Hiện nay, việc nhiều chủ đồng sở hữu 1 thửa đất được pháp luật chấp nhận và có những quy định rõ ràng. Luật Đất đai của Việt Nam cũng đã có những quy định rõ về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các chủ đồng sở hữu khi mua chung mua đất.
Quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều chủ đồng sở hữu như sau:
– Theo Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người đó.
– Ngoài ra, nếu các chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện (vẫn ghi thông tin tên của những người có chung quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất).
Như vậy, Khi 2 hay nhiều người mua chung đất với nhau có thể yêu cầu cơ quan chức năng cấp 1 GCNQSDĐ cho người đại diện. Hoặc cấp mỗi người một sổ riêng và trên sổ đó có tên của những người đồng sở hữu.
⇒⇒⇒⇒ Tham khảo thêm các quy định về đất dự án TẠI ĐÂY
Những rủi ro tiềm ẩn khi mua bán, chuyển nhượng
Mặc dù đã được pháp luật quy định. Song việc đất có nhiều chủ sở hữu dễ dẫn đến việc tranh chấp. Hoặc các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, sang tặng đất sẽ gặp nhiều rủi ro.
– Tranh chấp đất đai giữa những người đồng sở hữu
Những người đồng sử hữu thường là con cái được thừa kế. Hoặc anh em bạn bè cùng chung tiền đầu tư. Hầu như mọi người đều quen biết và tin tưởng nhau. Tuy nhiên trong một số trường hợp xảy ra mâu thuẫn, liên quan đến lợi ích cá nhân, hoặc giá đất tăng cao. Đất đồng sở hữu không rõ ràng phân chia sẽ ẩn chứa nhiều tiềm năng dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp đất đai.
– Khó khăn trong việc mua bán, chuyển nhượng đất. Các giao dịch đất đồng sở hữu sẽ không được công nhận về mặt pháp lý nếu không có sự đồng thuận của tất cả các chủ sở hữu đất. Nếu một trong số chủ sở hữu không đồng ý, việc giao dịch sẽ phải dừng lại.
Quy định về việc tách sổ
Tách sổ là phương án được các chủ sở hữu lựa chọn để giải quyết các vướng mắc khi giao dịch đất đồng sở hữu. Đối với trường hợp này khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
– Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”
Điều kiện để được tách thửa:
– Đủ diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu.
– Đất không có tranh chấp.
– Đất đang trong thời hạn sử dụng đất.
Nếu không đáp ứng được thì không được tách thửa, và việc muốn bán đất phải được sự đồng ý của tất cả các bên.